Ẩm thực Sapa luôn mang đến cho những ai ghé qua đây một ấn tượng khó quên bởi những hương vị đặc trưng của nắng, của gió, của tâm tình người Sa Pa. Lạp xưởng Sa Pa cũng là một trong những món ăn như thế: đậm đà và thơm ngon vô cùng. Hãy cùng Du lịch Quốc Tế Đại Việt đến Sapa để thưởng thức món ngon này nhé!
Trong tiết trời đông giá rét, cái lạnh đã len lỏi khắp mọi ngõ ngách của vạn vật, lúc đó cũng là lúc những người dân vùng cao Sapa bớt lại những công việc với nương rẫy mọi ngày để tránh cái tiết trời muốn nuốt chửng con người ngoài kia.
Với những ai đã từng được ngồi bên bếp lửa Sapa tránh rét chắc hẳn sẽ không quên được hương vị của mùi khói bếp, rượu ngô, rượu táo mèo và cả những món ăn gác bếp vừa bùi vừa béo ở đây. Gác bếp – đó đơn giản là cách bảo quản thực phẩm đơn giản lại được lâu phòng khi tiết trời khắc nghiệt không thể xuống chợ. Tuy chỉ đơn giản như vậy nhưng những món ăn này lại có những hương vị độc đáo rất riêng mà chẳng món nào có được.
Lạp xưởng Sapa có gì đặc biệt?
Trong những món ăn gác bếp của ẩm thực Sapa thì món lạp xưởng gác bếp có được vị thơm ngon đặc trưng, được rất nhiều người ưa thích và mua về làm quà. Bởi vì lạp xưởng Sa Pa được làm rất công phu và cẩn thận.
Cứ mỗi độ tết đến xuân về bà con vùng cao lại tụ họp chuẩn bị cho tết, vài nhà lại chung nhau một con lợn rồi hè nhau mổ thịt và chia đều. Những phần thịt để dành tết để riêng còn bao nhiêu để làm lạp xưởng, treo bếp dành ăn quanh năm.
Một công đoạn làm lạp xưởng
Lạp xưởng được làm từ thịt lợn băm và lòng. Vỏ lạp xưởng làm từ lòng lợn, lòng ngon là lòng non được rửa kỹ, sạch với rượu trắng rồi lộn ngược ruột lại, nhét một đầu lòng vào phễu ra sức thổi cho đoạn ruột căng lên như bong bóng. Nhân lạp xưởng được lấy từ thịt thăn hay nạc vai, thịt nạc mông được băm nhỏ ra rồi tẩm ướp gia vị, hành phi. Đặc biệt món lạp xưởng không thể ngon nếu thiếu hạt mắc khén – một loại hạt gia vị vô cùng đặc biệt của vùng núi Tây Bắc. Sau khi chuẩn bị xong, lấy nhân nhồi vào khúc ruột cho thật chắc sao cho khi nhìn miếng lạp xưởng căng bóng, tròn đều, không có nếp gấp hay nhăn.
Phơi nắng trước khi gác bếp
Trước khi được gác bếp những khúc lạp xưởng được tắm nắng to trong 3 ngày. Công đoạn cuối là đem lạp xưởng đi gác bếp. Để lạp xưởng được ngon thì trong những ngày đầu bếp lửa ở dưới phải luôn luôn đỏ lửa để những thanh lạp xưởng được ăn khói, ăn hơi nóng của lửa no nê.
Những thanh lạp xưởng gác bếp
Sau khi gác bếp được 2 đến 3 tháng là lúc những thanh lạp xưởng đạt đến độ ngon và mang ra thưởng thức. Lúc này những thanh lạp xưởng đã sắt lại, vỏ chuyển sang màu sẫm hơn, chỉ cầm thôi đã thấy mùi thơm của mắc khén, mùi khói bếp, mùi thịt, tất cả hòa quyện làm nên mùi vị mà cả đời ta cũng có thể chẳng bao giờ quên.
Đến khi cắt những miếng lạp xưởng ai tinh ý có thể nhận ra có một chút hơi men – đó chính là rượu. Bởi vì những người dân bản thường ướp cho lạp xưởng một chút rượu ướp trong nhân. Sau những ngày gác bếp rượu, thịt, gia vị như tan vào nhau làm nên mùi vị quyến rũ đến bất ngờ.
Một số cách chế biến lạp xưởng
Lạp xưởng khi dùng thường được nướng lại, rán vàng hay hấp trên nồi cơm cho nóng, thái lát rồi chấm cùng mắc khén để tăng thêm sự đậm đà, thơm ngon. Nếu có dịp ghé qua Sapa đừng quên thưởng thức món đặc sản thơm ngon và vô cùng dân dã này. Ngồi nhâm nhi một chén rượu táo mèo thêm vị của lạp xưởng gác bếp, một vài bông cải bạn sẽ thấy cái giá lạnh nơi đây như tan biến hết nhường lại cho sự ấm áp của bếp lửa vùng cao.
Đừng bỏ lỡ cơ hội đến với vùng cao Sapa, đến với ẩm thực Sapa qua những tour du lịch Sapa của chúng tôi để đến cảm nhận hết vẻ đẹp của nó!