Công trình Chùa Hộ Quốc Phú Quốc được xây dựng theo lối kiến trúc thời Lý – Trần là một trong những công trình nằm trong dự án khu du lịch tâm linh trên diện tích hơn 110 ha (diện tích chùa chiếm khoảng 12%). Gồm 8 hạng mục chính là Nhà tăng, Nhà Hòa thượng, Nhà ăn, Điện Tam Bảo, Nhà Thờ Tổ, Tháp chuông, Tháp trống và Cổng Tam quan được xây dựng trên khu đất khoảng 2,8 ha, tổng diện tích xây dựng: 1.695 m2, diện tích sân lát gạch: 1.927 m2, diện tích sân xi măng: 1.138 m2, diện tích phù điêu: 312 m2, diện tích bậc cấp: 716 m2. Chùa được khởi công đồng bộ với hơn 1000 người làm liên tục trong vòng 14 tháng, kinh phí xây dựng lên tới hơn 100 tỷ đổng (bao gồm cả kinh phí làm đường) được kêu gọi từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp.
Đường đến Chùa Hộ Quốc – Phú Quốc
Xe bon bon vượt qua dốc núi, đường hơi quanh co, ít xe qua lại đi khoảng 4km là đến với Chùa Hộ Quốc – Phú Quốc. Có 2 đường lên chùa là đi thẳng và rẽ trái. Đường rẽ trái lên sau lưng chùa, đây là đường đi nội bộ.
Thiền Viện Trúc Lâm Hộ Quốc – “ĐẠI DANH THẮNG” trên ĐẢO NGỌC
Nằm ở đoạn cuối con đường uốn khúc qua các triền núi xã Dương Tơ với những bãi biển thoai thoải trải dài hàng cây số, nhìn từ xa, Chùa Hộ Quốc như công trình nổi trên đầu những cơn sóng.
Do nằm ở trên núi nên không khí ở đây rất mát mẻ và trong lành. Xung quanh chùa trồng rất nhiều cây xanh càng làm cho không khí thêm tươi mát. Ngôi chùa như được bao bọc bởi rừng và biển, khung cảnh rất nên thơ. Phía trước mặt là mênh mông biển cả, nước biển trong xanh, sóng đánh lăn tăn vào bờ. Phía sau là rừng cây um tùm xanh ngắt. Đến đây bạn sẽ có cảm giác rất nhẹ nhàng trong thân thể lẫn đầu óc. Mọi ưu tư phiền muộn của cuộc sống hối hả hằng ngày sẽ theo sóng, theo gió, theo từng tiếng gõ mõ bay đi mất. Vì thế vào dịp lễ Tết, các tăng ni, phật tử, du khách đến tham quan ngôi chùa này rất nhiều.
Khi đến gần, chúng ta sẽ cảm nhận ngôi chùa như là hội tụ nhiều yếu tố của một “Đại danh thắng”. Lưng tựa mỏm núi Đang Cưu, mặt hướng ra biển phía Đông mênh mông sóng nước trông như một bức tranh thủy mặc. Đến nơi đây, du khách không chỉ được mãn nhãn với những hình điêu khắc, chạm trổ tinh xảo, được dịp chiêm bái Xá lợi Phật Thích Ca mà còn có dịp mở mang, nương theo con thuyền thời gian trở về cội nguồn Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật Hoàng Trần Nhân Tông khai sáng từ thế kỷ XIII…
Tuy nằm trong cùng hệ thống Thiền Viện Trúc Lâm nhưng kiến trúc của Thiền viện Hộ Quốc có chút khác biệt so với các Thiền viện khác bởi chùa được dựng hoàn toàn từ các cột gỗ lim nên chiều cao của các gian cũng bị giới hạn theo chiều cao của cột gỗ. Ngoài ra trong chùa cũng có ban thờ Đức Ông giống như các chùa ở Bắc Bộ.
Bước vào cổng chùa các bạn sẽ bị choáng ngợp vì sự hùng vĩ, rộng rãi của ngôi chùa. Hai bên đường vào là 18 vị la hán được khắc bằng đá, mỗi bên với 9 vị la Hán trông rất trang nghiêm.
Ở giữa sân là tượng Phật Ngọc. Tượng được tạc từ nguyên khối ngọc màu cẩm thạch, từng đường nét trên thân tượng cũng như trên nét mặt đều rất có hồn, đôi mắt của Phật như nhìn thấu hết tâm can của người đi viếng.
Phía sau tượng là bức tranh rồng phượng sơn vàng trên nền thạch cao màu trắng được trạm trổ các họa tiết rồng, hoa sen. Phía sau hai bên là hai dãy cầu thang để lên chính điện của chùa. Các bạn sẽ thấy cổng tam quan có ba cửa (cửa chính để tên là Cửa Địa Giác, cửa phụ bên trái bên trong nhìn ra là Cửa Bắt Nhị, còn cửa bên phải là Cửa Giải Thoát). Bước qua cửa các bạn sẽ thấy sân rộng để tiến lên Chính Điện du khách phải bước lên khoảng 70 bậc thang.
Bức tranh dài trải suốt chiều dài cầu thang. Khi du khách leo đến bậc cuối cùng của cầu thang thì hãy quay ngược lại, ngắm nhìn biển Phú Quốc từ trên cao, các bạn sẽ thấy mình thật bé nhỏ giữa thiên nhiên rộng lớn này. Bước lên hết bậc cầu thang từ trên cao nhìn xuống khung cảnh rất tuyệt. Xa xa là biển nước trong xanh, bãi biển này được người dân địa phương gọi là Bãi Cây Da. Bước vào trong chùa là khung cảnh uy nghi.
Hai bên sân du khách thấy có hai cái tháp, một tháp bên trái nhìn từ ngoài vào chứa một chiếc trống rất to và tháp bên phải chứa một cái chuông đồng to không kém.
Chính Điện nhìn giống như Thiền Viện Trúc Lâm ở Đà Lạt, có kiến trúc cổ xưa tạo sự gần gũi, chùa được làm bằng gỗ lim rất quý và đá nguyên thủy có độ bền từ 700 năm đến 1000 năm có thể hơn, trong Chính điện có Đại Hùng Bảo Điện được bố trí ở giữa hai bên là Bát Nhã Thành Tri và Phổ Hiền Hạnh Nguyên.
Phía sau chùa là dãy nhà thờ tổ, chùa đang được xây dựng các hạng mục để tạo phong cảnh mỹ quan. Chùa không chỉ phục vụ đời sống tâm linh của người dân địa phương mà còn là địa điểm du lịch tâm linh nhằm thu hút ngày cảng nhiều du khách đến với đảo Phú Quốc góp phần phát triển ngành du lịch Phú Quốc.
Hằng năm, Chùa Hộ Quốc vẫn thu hút rất nhiều khách tham quan và Phật tử khắp bốn phương bởi sự linh thiêng huyền bí của mình! Nơi đây luôn là một phần không thể thiếu của các tour du lịch đảo ngọc Phú Quốc. Mỗi khi đi du lịch Phú Quốc, bạn nhớ hãy tới nơi đây để thưởng ngoạn, vãn cảnh chùa và chiêm bái Xá lợi Đức Phật. Sự yên bình ở nơi đây sẽ mang lại tinh thần thư thái và vô cùng thoải mái dành cho bạn.
Du Lịch Quốc Tế Đại Việt
Sưu tầm