Tại phía Đông dãy núi Trường Sơn, cùng chung tín ngưỡng đa thần, các tộc người ở Tây Nguyên có sự tương đồng văn hóa, phong tục tập quán, đặc biệt là trong lĩnh vực các lễ hội. Với quan niệm “vạn vật hữu linh”, bất cứ những gì liên quan đến sản xuất và đời sống, người Tây Nguyên đều phải có sự cầu xin để được các yang cho phép tiến hành, xong việc hay được việc phải tạ ơn, vi phạm luật lệ cộng đồng khiến các yang nổi giận phải tạ tội… từ đó mà diễn ra dày đặc các lễ thức, lễ nghi, lễ hội.
Các lễ hội Tây Nguyên có thể chia làm ba nhóm đó là các lễ nghi và lễ hội theo nông lịch, các lễ nghi và lễ hội theo vòng đời, các lễ nghi và lễ hội đối với những mối quan hệ ngoài cộng đồng. Cả ba nhóm lễ nghi và lễ hội này đều nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh, phục vụ cho hai đối tượng chủ yếu là toàn thể cộng đồng và gia đình cá thể.
Lễ Cầu mưa:
Khi một nửa số gia đình trong buôn, bon, kon, plei đã làm xong việc dọn cỏ, đốt rẫy (rẫy mới phát lần đầu, rẫy hiện đang trỉa lúa sau khi thu hoạch mùa trước, để lại những gốc rạ, nay phải cuốc lên và đốt đi như một hình thức bổ sung tro cho đất, rẫy bỏ hoang nhiều năm cho đất tự hồi phục, nay đến thời hạn luân chuyển…). Chủ làng sẽ cùng với các thầy cúng và một số già làng chuẩn bị cho lễ này. Lễ có thể diễn ra gần bến nước ngoài buôn, cũng có thể tổ chức tại sân nhà rông hoặc ngay tại sân nhà hay trong nhà của chủ bến nước (tùy theo tập quán cư trú của mỗi tộc người).
Lễ vật hiến sinh chuẩn bị cho lễ cầu mưa lớn nhất chỉ là một con heo từ 3 – 5 gang (khoảng 60kg) gà, rau và những ghè rượu không hạn chế số lượng, do toàn thể cộng đồng đóng góp (tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, không có quy định nào về mức độ hay số lượng bắt buộc, người không có của sẽ đóng góp bằng công phục vụ). Thầy cúng sẽ khấn những lời bày tỏ nguyện vọng của cả cộng đồng cầu mong nhanh chóng có mưa để tiến hành gieo trỉa, một năm mưa gió thuận hòa, đủ nước cho cây lương thực, thực phẩm sinh sôi, phát triển, phục vụ nhu cầu ăn, uống hằng ngày của con người.
Lễ này ít yếu tố cấu thành hội tuy cũng có đánh chiêng, có sự giao lưu giữa toàn thể thành viên trong cộng đồng tụ tập tại nơi diễn ra lễ thức, để chứng kiến. Lễ thường diễn ra chỉ trong một ngày.
Người Ba-na Rngao ở Kon Tum còn có lễ cầu mưa rất đặc biệt. Trước tiên phải cúng thần sấm (Book Glaih), nếu trời vẫn không mưa sẽ phải cúng thêm cả tình nhân của thần Sấm là Yang Đăk để nhờ xin hộ với thần làm ra mưa. Lễ vật hiến sinh là một con dê trắng và một con heo trắng.
Lễ mừng lúa mới:
Lễ mừng lúa mới thường diễn ra ở sân nhà rông hoặc ở nhà chủ giọt nước, vào dịp tháng 11 hoặc đầu tháng 12 dương lịch, có thể kéo dài trong 2 – 3 ngày, tùy theo mức độ mùa màng dự kiến sẽ thu được. Lễ vật hiến sinh trong ngày tổ chức ăn cơm mới có thể là heo, bò, đối với các nhóm tộc người ngữ hệ Môn – Khmer thì nếu được mùa lớn (thu được 100 gùi lúa trở lên) phải có ăn trâu.
Đây là một trong những lễ hội cộng đồng lớn của mọi tộc người trong năm bởi sự no đủ đã nhìn thấy rõ. Con người cũng đến lúc cần được nghỉ ngơi sau một quãng thời gian vất vả lao động, tạ ơn các vị thần linh đã phò trợ, giao đãi với dòng họ và bạn bè đã hỗ trợ trong năm.
Trong lễ hội này, người ta thường mời cả các buôn cận kề, họ hàng hoặc con cái đã đi lấy vợ, lấy chồng ở các làng khác tới cùng chung vui, hoạt động giao lưu, kết nghĩa cũng diễn ra.
Lễ cúng bến nước (uống nước giọt, cúng máng nước):
Lễ này có thể diễn ra những ngày cuối năm, khoảng tháng 12 dương lịch, nhưng cũng có thể được tổ chức vào đầu năm mới, khoảng tháng 2 hoặc 3, sau khi đã thu hoạch hoàn tất mùa vụ.
Đến ngày đã định, cả làng phải tham gia vào việc dọn vệ sinh sạch sẽ trong ngoài buôn, bon, kon, plei, dọc con đường từ buôn đến bến nước, nhất là xung quanh các ống nước (giọt nước), phát quang cây cỏ dại, thay thế những ống nước bị hư hỏng, khơi thông lại dòng chảy của nguồn nước, dòng chảy của nước thải.
Hình thức cúng diễn ra ở mỗi tộc người có thể khác một số tiểu tiết nhưng chủ yếu vẫn là tổ chức ngay cạnh giọt nước, bến nước, gốc đa hoặc gốc cây blang giữa đường từ giọt nước về, để cảm tạ thần bến nước và tiếp tục cầu xin một năm mới có đủ nước dùng cho người, cho cây cối. Con vật hiến sinh trong lễ này thường là heo, không ăn trâu bò. Lễ diễn ra từ 1 – 2 ngày.
Đây chỉ là ba lễ thức quan trọng nhất, trong nhiều những lễ hội của đa số cộng đồng các tộc người thiểu số Tây Nguyên. Lễ mừng dựng xong nhà rông mới (khi lập làng mới), lễ mừng chiến thắng (những khi có chiến sự xảy ra), lễ mở cửa rừng vào thời điểm đầu mùa săn (tháng 01 – 02), lễ kết giao giữa làng này với làng kia… đều phải có lễ vật hiến sinh là heo, trâu, bò và không thể thiếu những âm thanh của ching chiêng, những vòng múa suang của các cô gái, các trò chơi so tài của những chàng trai… Những lễ hội này người ta đều có mời các làng cận kề cùng tham dự trong tiếng ching chêng vang lừng và rượu chảy rong róc trong cần nứa uốn cong.
Dù là lễ thức cộng đồng hay lễ thức của gia đình cá thể, cho dẫu là tạ ơn hay cầu xin, hoặc nếu có thì cũng theo những hình thức tương tự như người miền xuôi (như các lễ cưới, thôi nôi, tang ma, mừng thọ…). Tại một số vùng sâu, vùng xa thì còn một vài lễ cúng kho lúa, lễ xả xui hoặc mừng nhà ưng, gươn mới…
Không có môi trường diễn xướng dành riêng như trước đây nên tiếng ching chêng, những câu hát dân gian đối đáp nam nữ và các điệu múa suang cổ truyền cũng không còn nhiều dịp được cất lên, trừ những liên hoan nghệ thuật dân gian hay nghệ thuật quần chúng do ngành văn hóa các cấp tổ chức thường niên hoặc định kỳ theo lịch hoạt động.
Lễ hội sẽ có giá trị với cộng đồng nếu đáp ứng được nhu cầu tâm linh và thể hiện lòng tự hào đối với truyền thống văn hóa dân tộc, do chính người dân nơi đây là chủ thể của lễ hội bàn bạc cách thức tổ chức, lựa chọn chi tiết gì của lễ thức cần giữ lại, điều gì không cần, sắp xếp lớp lang, tổ chức thực hiện.