Nhắc đến các món ẩm thực nổi tiếng ở Sapa ngoài thắng cố, cá suối, đồ nướng thì không thể không kể đến đặc sản nem măng đắng của người dân tộc Tày.
Măng Đắng là món ăn rất phổ biến của người dân các dân tộc Tày, Thái, Mường ở khu vực miền núi phía Bắc trong đó có Sapa. Măng đắng mọc tự nhiên và hầu như có quanh năm nhưng măng nhiều nhất và ngon nhất vẫn là mùa mưa, thời tiết mưa nhiều kích thích măng mọc và búp măng cũng tươi ngon, mọng nước hơn. Măng hái từ rừng, bỏ bẹ già, thái nhỏ tùy theo ý thích, rồi cho vào nồi luộc sơ qua với chút muối để giảm vị chát đắng. Sau đó vớt ra ngâm nước lạnh khoảng 1 giờ là có thể chế biến được. Măng được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như măng luộc, măng xào, hầm xương, nấu cá, nấu canh… Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là nem măng đắng.
Chế biến Nem Măng Đắng
Nem măng đắng được chế biến theo bí quyết cổ truyền của người dân tộc Tày ở Bảo Yên Lào Cai sau đó được truyền khắp các đồng bào Tày, Thái khu vực miền núi phía Bắc. Sau những ngày mưa, đồng bào dân tộc sẽ mang theo gùi vào sâu trong rừng chọn những mầm măng non mới nhú để cắt về. Sau khi sơ chế luộc với muối giúp măng sạch và bớt vị đắng, rồi được lột lấy những lớp bánh tẻ mềm để làm nem măng đắng. Phần nhân nem là thịt gà băm nhỏ trộn cùng củ kiệu băm, hạt tiêu, nước mắm. Sau đó nhân được gói vào phần lớp măng đắng đã được lột và làm sạch, khâu gói nem nghe tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi người thực hiện phải tỉ mỉ và khéo léo cho nhân vào từng lá măng mỏng và gói lại sao cho gọn gàng. Nem sau khi được gói xong được chiên vàng trong chảo mỡ, đây cũng là một khâu quan trọng. Chiên nem chín đều, vừa tới, vàng các mặt và không bị cháy.
Món ăn ngon khó cưỡng
Nem măng đắng ngon nhất khi chấm cùng với tương ớt Mường Khương loại tương cay được làm thủ công từ loại ớt thóc vùng Mường Khương hoặc nước chấm gia truyền của người Thái với mắm cùng ớt tươi, tiêu, mắc khén, chanh và một vài loại gia vị của người Tày. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị đắng nhẹ của măng, vị ngọt của thịt gà tơ. Vị thơm, độ dẻo của vỏ nem cộng với cảm giác sậm sựt của nhân nem trong miệng sẽ khiến du khách không thể quên. Khi ăn vào miệng, bạn sẽ cảm nhận được cái cảm giác đắng chát cứ mất dần sau mỗi lần nhai. Thay vào đó là cảm giác thoang thoảng ngọt và cay nhẹ của nước chấm.
Thưởng thức món nem măng đắng thơm ngon bên bếp lửa của đồng bào dân tộc Tày vùng Sa Pa, du khách còn có cơ hội nghe các già làng kể về sự tích của cây măng đắng. Món nem măng đắng trước kia chỉ được làm trong những ngày lễ Tết của người dân tộc. Ngày nay, món ẩm thực hấp dẫn này đã xuất hiện trong các nhà hàng, góp phần quảng bá, giới thiệu với du khách du lịch nói chung và du lịch SaPa nói riêng về văn hóa ẩm thực nơi đây cũng như nét đẹp trong đời sống của đồng bào dân tộc vùng núi phía Bắc.