Lễ hội Festival Nghề truyền thống Huế với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” sẽ diễn ra từ ngày 26/4 đến hết ngày 2/5
Sẽ có 16 nhóm nghề tham dự, gồm: Thêu, Kim hoàn, Mộc mỹ nghệ, Đồng, Gốm, Nón lá, Hoa giấy, Thư pháp, Tranh, Diều, Dệt – May, Mây tre, Pháp lam, Nhang trầm, Tinh dầu, Lân – Sư – Rồng, các sản phẩm có thương hiệu và truyền thống lâu đời, với sự tham gia của 62 làng nghề, cơ sở nghề.
Bên cạnh giới thiệu sản phẩm độc đáo của các nghề, làng nghề truyền thống, ngành y học cổ truyền vốn là đặc trưng của Huế, vì vậy tại Festival nghề truyền thống Huế 2019 sẽ có hình thức tổ chức cho các thầy thuốc đông y khám chữa bệnh và phô diễn tài năng. Ngoài ra, sẽ có 17 đoàn khách quốc tế và 11 thành phố, tổ chức quốc tế tham dự như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là tính quốc tế mà Ban tổ chức đã thiết lập thông qua mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Huế và các địa phương ngoài nước.
Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào 20h30 ngày 26/4/2019 tại sân khấu Quảng trường Quốc Học. Đây là chương trình ca múa nhạc đặc biệt kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật với ngôn ngữ hiện đại, trên nền bản sắc văn hóa dân tộc, giới thiệu đất nước quê hương, giới thiệu Huế, các ngành nghề đặc trưng, tinh hoa thủ công mỹ nghệ truyền thống…
Trong hội nghị lấy ý kiến về việc tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế, nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hóa Huế rất đồng tình về việc kéo dài thời gian tổ chức Festival dài hơn 2 ngày so với Festival nghề truyền thống Huế của năm trước, các nghệ nhân giới thiệu tay nghề và những sản phẩm tâm huyết. Không chỉ vậy, đây cũng là cơ hội để nâng cao hiệu quả kinh tế thông qua việc các làng nghề giới thiệu và bán được nhiều sản phẩm hơn cho du khách.
Festival Nghề truyền thống Huế 2019 sẽ hướng đến một lễ hội quy mô, có chất lượng, hiệu quả, tầm cỡ quốc gia và mang tầm quốc tế, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch – văn hóa Huế qua đó lôi kéo du khách đến Huế nhiều hơn, phát huy thương hiệu và vị thế của Huế – thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, đồng thời góp phần tích cực, có hiệu quả việc khôi phục, hỗ trợ và phát triển làng nghề truyền thống và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu trên cả nước, nhất là mong muốn tạo điều kiện các nghệ nhân có lợi nhuận, cung ứng nhiều sản phẩm cho thị trường…