Nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, giữa mây ngàn gió núi, Cát Cát lâu nay đã trở thành điểm du lịch ấn tượng, không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước khi đến SaPa.
Du lịch Sapa không thể không nhắc tới bản Cát Cát, đây là điểm đến thu hút du khách nhất tại Sa Pa. Bản Cát Cát là bản người Mông thuộc xã San Sả Hồ, huyện SaPa, chỉ cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng hơn 2km. Ở độ cao khoảng 1500m so với mực nước biển, bản Cát Cát cũng mang khí hậu đặc trưng của Sa Pa với sự mát mẻ và trong lành. Nằm ngay bên dưới dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, bản Cát Cát như được bao bọc bởi mẹ thiên nhiên với màu xanh của các thửa ruộng bậc thang và của đồi núi bao trùm khắp bản, xen lẫn vào đó là những ngôi nhà nhỏ bé của người Mông đen. Tất cả như hòa quyện vào nhau làm nên nét đẹp nơi đây.
Sau 2km di chuyển bằng xe máy hoặc đi bộ từ trung tâm thị trấn SaPa, bạn sẽ tới với bản Cát Cát, trải nghiệm cảnh đẹp tự nhiên nơi đây, khám phá cuộc sống của hơn 80 hộ dân đồng bào dân tộc Mông và ghé thăm những ngôi nhà sàn dựng bên chiền núi. Nhà của đồng bào nơi đây được làm theo kiểu ba gian với nguyên liệu chủ yếu là gỗ pơmu và đá lấy trong rừng. Bộ khung nhà có vì kèo ba cột ngang, các cột đều được kê trên phiến đá, vách nhà được lợp bằng gỗ xẻ với 3 cửa ra vào, sàn gác lương thực dự trữ, nơi ngủ, bếp và nơi tiếp khách. Các ngôi nhà nơi đây thường nằm tách biệt nhau bởi các thửa ruộng bậc thang rộng lớn. Chỉ cần xin phép chủ nhà bạn có thể thoải mái quan sát, tìm hiểu và chụp ảnh những ngôi nhà xinh đẹp này.
Trung tâm Cát Cát là nơi hội tụ của ba dòng suối là suối Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc cùng ngọn thác Cát Cát ngày đêm rì rào nước đổ. Bên cạnh thác có cầu treo Si và cầu treo A Lứ là nơi thường được du khách chọn để lưu lại những bức ảnh tuyệt đẹp về bản Cát Cát. Đến Cát Cát vào mùa lúa chín, cả bản như chìm trong sắc vàng của lúa, bạn có thể đứng từ trên cao để ngắm nhìn vẻ đẹp của các thửa ruộng bạc thang chín vàng. Màu vàng của lúa đối lập với màu xanh của núi rừng, trên đó lại điểm xuyết thêm nhưng ngôi nhà nhỏ xinh như vẻ nên một bức tranh tự nhiên tuyệt đẹp trước mắt du khách.
Bản Cát Cát không chỉ hấp dẫn du khách bởi phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, cảnh sắc núi rừng mà còn bởi những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng và rất riêng của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Du khách sẽ thực sự thích thú khi được hòa mình vào điệu múa dịu dàng của những cô gái H’Mông xinh đẹp thưởng thức điệu khèn và tiếng đàn môi say đắm lòng người cùng các chàng trai H’Mông khéo léo, hay cùng giao lưu nhảy sạp với chàng trai cô gái người Mông. Chỉ với chiếc lá cây mà các chàng trai bản có thể thổi được cả một bản nhạc tuyệt hay giữa núi rừng thơ mộng.
Ngoài cấy lúa, người dân nơi đây còn phát triển các nghề thủ công truyền thống như dệt vải, đan lát, chạm trổ trang sức bạc, đồng và rèn nông cụ. Ở Cát Cát, du khách sẽ được tham quan khu bày bán các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, những sản phẩm thực sự độc đáo và tinh xảo được làm hoàn toàn bằng bàn tay của người dân tộc Mông, thể hiện tinh hoa văn hóa của đồng bào dân tộc. Bạn có thể mua các sản phẩm thủ công này để dùng hoặc làm quà.
Nếu đi du lịch SaPa vào dịp đầu xuân, bạn còn có cơ hội tham dự lễ hội Gầu Tào là lễ hội cầu phúc, cầu may dịp đầu năm lớn nhất của người Mông, du khách sẽ trải nghiệm rõ nhất đời sống văn hóa, tâm linh của người đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Ngoài ra, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều đặc sản của bản Cát Cát như rượu ngô, thắng cố, thịt gác bếp, nhái măng, bánh ngô. Với những bản sắc văn hóa rất riêng, cùng nhiều khung cảnh tuyệt đẹp, bản Cát Cát từ lâu đã trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua khi du khách đến với Sa Pa.